Skip to main content

Tiết Trùng Cửu

Lễ Ông Bà ngày xưa của ta

Sau Tết Trung Thu là Tết Trùng Cửu, chữ Tết do chữ Tiết đọc trại ra mà thành. Tiết 節 là Thời Tiết 時節 chỉ Khí hậu có liên quan đến mùa màng. Tiết cũng có nghĩa là ngày lễ Tết trong năm. Một năm có mấy cái Tết lớn. Nguyên Đán là cái Tết lớn nhất mở đầu cho một năm nằm trong tháng Giêng, Thanh Minh là Tết nằm trong tháng 3, Đoan Ngọ là Tết của tháng 5, Tháng 8 thì có Tết Trung Thu và Tháng 9 thì ta có Tết Trùng Cửu.

Trùng Cửu, Trùng là Trùng lắp, là lặp lại. Cửu là số 9. Nên Trùng Cửu 重九 là 2 số 9 được lặp lại, tức là ngày mùng 9 tháng 9 Âm lịch. Theo Kinh Dịch thì số 9 thuộc Dương, nên Trùng Cửu còn được gọi là Trùng Dương 重陽. Đây là cái Lễ tiết cuối cùng sau mùa thu hoạch, rồi trời sẽ trở lạnh để vào đông cho đến Tiết Đông Chí về, sẽ lại chuẩn bị để đón mừng năm mới!

Ngoài việc được gọi là Tiết Trùng Dương 重陽節 ra, Trùng Cửu còn được gọi là Tiết Đạp Thu 踏秋節, có nghĩa là Đạp lên lá vàng khô của mùa Thu, tức là Đi dạo chơi trong mùa Thu trước khi trời trở lạnh. Trong dân gian xưa còn gọi ngày này là Ngày Của Người Già: Lão Nhân Tiết 老人節 hoặc Kính Lão Tiết 敬老節. Có thể là do sau khi mùa màng được thu hoạch vào mùa Thu, con cháu có nhiều món ngon vật quý để dâng hiến cho Ông Bà, hoặc đã có tiền để chăm lo săn sóc đến đời sống của Ông Bà hơn. Khi ông bà cha mẹ già đã quá cố, thì con cháu cũng nhân dịp Đạp Thu mà kéo nhau lên núi để Tảo Mộ (Ở những nơi có đồi núi thì người chết được chôn cất ở trên cao, vùng đồng bằng để trồng trọt canh tác. Cho nên ta thấy Cụ Nguyễn Du tả cảnh Tảo mộ của Tiết Thanh Minh là: "Ngổn ngang gò đống kéo lên, Thoi vàng hồ rắc tro tiền giấy bay", là thế!). Vì vậy, mà Tiết Trùng Cửu còn được gọi là Tiết Đăng Cao 登高節. Ngoài ra, Tiết Trùng Cửu còn được gọi là Tiết Thù Du 茱萸節, Tiết Cúc Hoa 菊花節....

Thù Du là loại cây ăn trái được thu hoạch vào khoảng cuối tháng 6. Cây lá có tính sát trùng tiêu độc, ngừa phong đón gió, nên trong ngày Lễ Trùng Cửu dân gian hay bẻ một nhánh lá nhỏ giắt bên mình để "trừ tà", để được bình an khoẻ mạnh nên ngày lễ nầy còn được gọi là Tiết Thù Du là vì thế.  

Trong bài thơ "Bốn mùa ăn chơi" của người xưa thì câu thứ 3 là "Thu ẩm Hoàng Hoa tửu". Hoàng Hoa tức là Hoa Cúc đó, loại hoa có màu vàng và nở vào mùa thu, nên được dùng để ủ rượu uống cho ấm vào những ngày cuối thu lạnh lẽo nầy, để ngừa cảm cúm, như ta chích "flu shot" vào mùa nầy ở Mỹ vậy! Nên Tiết Trùng Cửu còn được gọi là Tiết Cúc Hoa là vì  thế!

Theo truyền thuyết thì ...
Vào thời Nam Bắc Triều, người của Nam Triều là Ngô Quân Chi thuộc nước Lương, ghi trong "Tục Tề Hài Ký" rằng:
Đời Đông Hán, ở huyện Nhữ Nam có một người tên là Hoàn Cảnh, cha mẹ đều chết vì bệnh ôn dịch ở cuối thu, nên anh ta quyết định lên núi tầm sư học đạo để trừ ôn dịch ôn thần. Đạo nhân Phí Trường Phòng dạy cho phép tiên dưỡng sinh và y học. Một năm, sau Trung Thu, đạo nhân gọi Hoàn Cảnh đến mà bảo rằng: mùng 9 tháng 9 năm nay, ôn thần lại đến gieo rắc bệnh dịch, con hãy về quê mà cứu nhân độ thế. Nói đoạn bèn trao cho anh ta một cây Thanh Long Kiếm, một bao lá Thù Du và một bình Rượu Cúc, căn dặn mọi người phải lên cao mà tránh nạn.
Đến hôm mùng 9 tháng 9, Hoàn Cảnh gọi hết bà con lối xóm cùng đăng cao lên núi, giắt cho mỗi người một lá Thù Du và uống một ly rượu Cúc, rồi đơn thân độc mã đứng chặn ở sườn núi, chiến đấu và tiêu diệt ôn thần. Từ đó về sau không ai còn bị chết về bịnh dịch nữa, và cũng từ đó về sau mới có tục Đăng Cao, cài lá Thù Du lên áo và uống rượu Cúc trong ngày Tiết Trùng Cửu cho đến hiện nay.

Trong văn học, nhất là trong Đường Thi, ngày Trùng Cửu luôn luôn được nhắc đến một cách thân thiết gần gũi qua các thi nhân nổi tiếng như Lưu Trường Khanh với...  

九日登李明府北樓    Cửu Nhật Đăng Lý Minh Phủ Bắc Lâu

九月登高望,              Cửu nguyệt đăng cao vọng,
蒼蒼遠樹低。              Thương thương viễn thọ đê.
人煙湖草裡,              Nhân yên hồ thảo lý,
山翠現樓西。              Sơn thuý hiện lầu tê. (tây)

劉長卿                         Lưu Trường Khanh

Diễn nôm:

Ngày Chín Lên Bắc Lâu Của Lý Minh Phủ

Tháng chín lên cao ngắm,
Xanh xanh cây cỏ xa.
Hồ mờ sương người vắng,
Lầu tây núi biếc nhòa!

Đỗ Chiêu Đức diễn nôm

Còn Thi tiên Lý Bạch với...

九月十日即事      Cửu Nguyệt Thập Nhật Tức Sự

昨日登高罷,           Tạc nhật đăng cao bãi
今朝再舉觴。           Kim triêu tái cử trường.
菊花何太苦,           Cúc hoa hà thái khổ,
遭此兩重陽。           Tao thử lưỡng Trùng Dương.                     

李白                                       Lý Bạch

Chú Thích:

Mùng 9 tháng 9 gọi là Tiết Trùng Dương, hái hoa cúc, uống rượu cúc, nhưng... Mùng 10 tháng 9 gọi là Tiểu Trùng Dương, lại hái hoa cúc, lại uống rượu cúc.
Chỉ trong hai ngày, hoa cúc bị hái, bị vùi giập đến 2 lần. Lý Bạch ví thân phận đi đày của mình giống như là hoa cúc liên tiếp bị vùi giập vậy, nên mới hạ 2 câu cuối là: "Cúc hoa hà thái khổ, Tao thử lưỡng Trùng Dương". Có nghĩa: Hoa Cúc sao mà lại khổ thế, phải gặp cái nạn của 2 lễ Trùng Dương nầy!
Khổ 苦 là Khổ sở, Cực khổ. Khổ cũng có nghĩa là Đắng nữa! Tân là Cay, nên Tân Khổ là Cay Đắng, Đắng Cay!

Diễn nôm:

Chuyện của ngày mười tháng chín

Hôm qua sau leo núi,
Sáng nay lại nâng ly.
Hoa Cúc sao mà khổ,
Trùng Dương đến nhị kỳ!

Đỗ Chiêu Đức diễn nôm

Nhưng nổi tiếng và tiêu biểu nhất cho lễ Trùng Cửu là bài thơ của Thi Phật Vương Duy....

Cửu Nguyệt Cửu Nhật Ức Sơn Đông Huynh Đệ   

Độc tại dị hương vi dị khách,
Mỗi phùng giai tiết bội tư thân.
Diêu tri Huynh đệ đăng cao xứ,
Thiên tháp thù du thiểu nhất nhân!

Vương Duy

Chú Thích:

Khi làm bài thơ nầy Vương Duy chỉ mới 17 tuổi, đang xa nhà đến Trường An để mưu cầu công danh. Nhà ông ở Bồ Châu, phía đông của núi Hoa Sơn, nên mới đề tựa là "Ức Sơn Đông Huynh Đệ". Bài thơ nổi tiếng với 2 câu đầu mà không có người du tử nào không trầm trồ với 2 từ "dị hương, dị khách".

Nghĩa bài thơ:

Mùng chín tháng chín nhớ anh em ở phía đông núi. Ta một mình ở nơi đất lạ làm người khách lạ, nên mỗi lần gặp Lễ Tết là lại nhớ người thân thêm bội phần. Ta biết rằng ở nơi xa xôi kia, anh em ta đang đăng cao trong ngày lễ nầy, và mỗi người đều có giắt một lá Thù Du lên áo, chỉ thiếu có một người không được giắt là ta mà thôi!

Diễn nôm:

Xứ lạ quê người làm khách lạ,
Mỗi lần lễ tết nhớ khôn nguôi.
Anh em mùng chín đăng cao đó,
Đều giắt thù du thiếu một người!

Lục bát:

Đơn thân xứ lạ quê người,
Mỗi khi lễ tiết ngậm ngùi nhớ nhau.
Quê xa huynh đệ đăng cao,
Thù du giắt áo nghẹn ngào riêng ta!

Đỗ Chiêu Đức


Popular posts from this blog

Chiêu Quân mộ - Phan Huy Ích

Chiêu Quân mộ 昭君墓 • Mộ Chiêu Quân Tần Thành lĩnh bạn thảo mông nhung, Kiến chỉ Minh Phi táng lũng trung. Thuế trướng túng nhiên liên bạc mệnh, Hương liêm hà tự lão thâm cung. Liễu my linh lạc hàm thu lộ, Cầm vận thê thanh yết sóc phong. Thiên cổ mạn cừu Diên Thọ hoạ, Phi thường nhan mạo bút nan công. Phan Huy Ích Dịch nghĩa Ven núi thành Tần cỏ um tùm, Người ta chỉ mộ Minh Phi táng trong thung lũng. Dù trướng nhung có thương người bạc mệnh, Sao bằng hộp phấn cứ chết già trong cung. Mày liễu ủ rũ ngậm móc mùa thu, Tiếng chim thánh thót như khúc đàn thê lương nghẹn ngào gió bắc. Muôn đời cứ chê oán bức hoạ của Diên Thọ, Song dung nhan phi thường thì bút cũng khó vẽ nổi. Chiêu Quân là cung nhân của Hán Nguyên Đế, tên là Vương Tường, sau bị vua đem gả cho vua Hung Nô để kết hoà hiếu. Nàng chết ở Hung Nô, để lại một bi kịch thảm xót. nguồn : thivien.net

Cửu nhật Tề sơn đăng cao 九日齊山登高 • Lên núi Tề ngày mùng chín

 Cửu nhật Tề sơn đăng cao 九日齊山登高 • Lên núi Tề ngày mùng chín 九日齊山登高   江涵秋影雁初飛, 與客攜壺上翠微。 塵世難逢開口笑, 菊花須插滿頭歸。 但將酩酊酬佳節, 不用登臨恨落暉。 古往今來只如此, 牛山何必獨沾衣。 Cửu nhật Tề sơn đăng cao Giang hàm thu ảnh nhạn sơ phi, Dữ khách huề hồ thướng thuý vi. Trần thế nan phùng khai khẩu tiếu, Cúc hoa tu sáp mãn đầu quy. Đãn tương mính đính thù giai tiết, Bất dụng đăng lâm hận lạc huy. Cố vãng kim lai chỉ như thủ, Ngưu sơn hà tất độc triêm y. Dịch nghĩa Sông ôm bóng mùa thu, nhạn mới bắt đầu bay đi tránh rét, Cùng khách tha hương đem bầu rượu lên núi đồi. Cõi trần khó gặp lúc hé miệng cười, Phải nên gắn hoa cúc đầy đầu đem về nhà. Chỉ nên say tuý luý đối đãi với tiết đẹp trời, Không muốn lên đấy ngồi sầu hận ánh tà dương. Xưa qua giờ lại chỉ có như vậy thôi, Việc gì một mình đứng trên núi Ngưu khóc ướt cả áo. Cửu nhật là trùng dương, tiết ngày mồng 9 tháng 9 âm lịch, ngắm hoa uống rượu. Ngưu sơn Núi ở nước Tề, đời Xuân Thu, Tề Cảnh Công lên núi trông về cố quốc mà khóc. Bản dịch của Hải Đà Sông thu lồng bóng nhạn m

Cười người ta khóc

Cảnh Công nước Tề đi chơi núi Ngưu Sơn, trèo lên mặt thành, đứng ngắm trông rồi tràn nước mắt vừa khóc vừa nói: - Đẹp quá chừng là nước ta! Thật là sầm uất, thịnh vượng! Thế mà nỡ nào một tuổi một già bỏ nước này mà chết đi. Giả sử xưa nay, người ta cứ sống mãi, quả nhân quyết không bỏ nước Tề mà đi nơi khác. Lã Sử Không, Lương Khưu Cứ thấy vua khóc cũng khóc và nói rằng: - Chúng tôi đội ơn vua có cơm rau mà ăn, có ngựa hèn, xe xấu mà cưỡi, cũng còn chẳng muốn chết, huống chi là nhà vua. Một mình Án Tử đứng bên cạnh cười. Cảnh Công gạt nước mắt, ngoảnh lại hỏi Án Tử rằng: - Quả nhân hôm nay đi chơi thấy cảnh mà buồn. Không và Cứ đều theo quả nhân mà khóc, một mình nhà ngươi cười là cớ làm sao? Án Tử thưa: - Nếu người giỏi mà giữ mãi được nước này thì Thái Công, Hoàn Công đã giữ mãi. Nếu người mạnh mà giữ được nước này, thì Linh Công, Trang Công đã giữ mãi. Mấy vua ấy mà giữ mãi thì vua nay chắc cũng mặc áo tơi, đội nón lá đứng giữa cánh đồng lo việc làm ruộng, có được đâu chỗ này đứng,